Đã từ lâu, người dân hai bên bờ sông Mương Chuối, xã Nhơn Đức và thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè, TPHCM) không còn nghe tiếng kêu đò thân thuộc mỗi sáng sớm và đêm xuống trên vùng đất ngập mặn, dừa nước bạt ngàn. Với ông Hòa, ký ức về tiếng kêu đò và những chuyến đò trong đêm tối, gió lạnh của những năm 1990 trở về trước thì còn mãi.

Ngày đó, vùng đất ngoại thành Nhà Bè này chỉ có vài cây cầu nhỏ phía các xã Hiệp Phước, Phú Xuân, Long Kiểng, Long Thới… bắc qua con rạch nhỏ cho các loại xe 2 bánh, 3 bánh chở bạn hàng ra chợ và học sinh qua lại đi học. Phần lớn các xã còn lại, người dân đi lại đều bằng đò dọc, đò ngang, chờ đợi qua lại qua các con rạch, khúc sông rộng đến cả tiếng đồng hồ. Chưa kể gặp lúc con nước ròng, giờ cao điểm có khi phải chờ đến gần nửa ngày mới có đò qua sông.

Một chuyến đò ngang qua kênh Cây Khô, xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè)

Trong ký ức người dân các xã của huyện Nhà Bè còn có nhiều bến đò ngang nối quận 4 sang quận 7 qua kênh Tẻ, bến đò kênh Cây Khô ở xã Phước Lộc, bến đò Phước Khánh qua sông Nhà Bè, bến đò dọc Hiệp Phước đi Long An và các tỉnh miền Tây Nam bộ… Mỗi bến đò đều gắn với những câu chuyện của người dân vùng sông nước, chứa đựng bao tình cảm, kỷ niệm về cuộc sống khó nhọc qua các thời kỳ phát triển của vùng quê ngoại thành.

Với các chiến sĩ tình nguyện mùa hè xanh của phong trào sinh viên TPHCM hơn 20 năm trước, thật khó quên những bến đò yêu thương trong hành trình đem con chữ đến với các em nhỏ ở các xã Long Thới, Nhơn Đức, Long Kiểng, Phước Lộc… Trong đó, khó quên nhất là ở bến đò Mương Chuối.

Ngày đó, bến đò Mương Chuối qua sông Mương Chuối được cho là tuyến độc đạo từ thị trấn Nhà Bè qua xã Nhơn Đức và đi các xã vùng bưng huyện Nhà Bè. Nhiều hôm các bạn về trường nhận sách, dụng cụ học sinh cho các lớp học tình thương ban đêm, phải ngồi chờ có hôm tới tận tối vẫn không có chuyến đò nào qua sông do sóng lớn, nước lên, thế là phải ngủ nhờ nhà dân ngay bến đò, sáng sớm hôm sau qua đò từ tờ mờ sáng.

Những buổi chiều cuối tuần, các chuyến đò trên bến đò Mương Chuối luôn chật cứng người qua lại, nào công nhân, bộ đội, sinh viên về thăm nhà, người dân qua lại thăm họ hàng, người thân… Bến đò dù đông nhưng rất trật tự, ai đến trước qua trước, ai đến sau qua sau. Trên đò, người ngồi hai bên cân đối, quang gánh, bao hàng, hành lý xếp ngay ngắn theo chỉ dẫn của người lái đò sao cho cân bằng giữa mũi và lái, không nghiêng, khẳm bên nào.

Những năm sau này, khi thành phố đô thị hóa mạnh mẽ, giao thông đi lại thuận tiện hơn nhờ những cây cầu được xây dựng, dần xóa đi những bến đò ngang, đò dọc và những chuyến đò nối hai bờ. Với những cựu chiến sĩ tình nguyện mùa hè xanh, và những ai đã từng qua lại trên bến đò Mương Chuối xưa - nay là cây cầu Mương Chuối rộng thênh thang, sẽ không khỏi bồi hồi nhớ lại những chuyến đò ngang chở nặng yêu thương, nghĩa tình.

HOÀI NAM